Monday, February 26, 2018

TỪ A TỚI Z CHƯƠNG TRÌNH LẬP ĐỜI THÁNH ĐỨC CỦA HUYỀN KHÔNG THIÊN THƯỢNG





CHƯƠNG TRÌNH LẬP ĐỜI THÁNH ĐỨC CỦA THIÊN THƯỢNG HUYỀN KHÔNG:  THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO KỲ BA VÔ VI: THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI 

Vào ngày rằm tháng Giêng năm Ất Hợi 1935, tức ngày Giáp Tí tháng Mậu Dần âm dương lịch hay ngày 17 tháng 2 dương lịch, nơi cơ quan linh hiển Bát Quái Đồ Thiên thuộc tỉnh Hà Tiên của miền Nam Việt Nam, một mật đàn kéo dài ba ngày có tên là Tam Nhật Đàn đã diễn ra nơi đây.  Nội dung của mật đàn chứa đựng những thông điệp vô cùng quan trọng liên quan đến CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ đương thời và THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI trong tương lai.  Nội dung của mật đàn đã không được phép công bố trong suốt một thời gian dài gần 3/4 thế kỷ theo Lệnh của Thượng Đế.  

          Trong đàn cơ này, Cha Trời đã giáng đàn để "minh chơn lý" cho nhơn sanh sau này thấy rõ làm tin rằng THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI hay THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO KỲ BA VÔ VICHƯƠNG TRÌNH LẬP ĐỜI THÁNH ĐỨC CỦA HUYỀN KHÔNG và chỉ thị cho cơ quan linh hiển Bát Quái Đồ Thiên của Đạo Cao Đài rằng họ chỉ được phép phổ biến nội dung của mật đàn này khi đúng thời điểm.  

          Lúc đó, năm 1935, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chỉ mới thành hình chưa tròn 10 năm.  Và thời điểm mà Thượng Đế cho phép phổ biến nội dung mật đàn là vào đầu thiên niên kỷ 2000, khi mà "Trung Đông chiến họa lưỡng dân điêu tàn" và đời đạo đều "hỗn loạn" đúng với tiên tri.  Văn bản chính đánh máy quay roneno có đóng dấu ghi chép nội dung Tam Nhật Đàn vẫn còn đang lưu trữ tại Bát Quái Đồ Thiên, là một cơ quan linh hiển của Đạo Cao Đài.  

          Lật lại từng trang thiên thư chúng ta có thể lượt ra một số đoạn "cốt lõi" của mật đàn.  Xin ghi nhận dùm những chữ trong ngoặc vuông [ ] là của người viết chèn vào để làm rõ nghĩa ý câu văn.
"Ngày kia, tại xứ VIỆT NAM, Trời lập BÁT MÔN ĐỒ TRẬN có 8 cửa ; Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Hào quang sáng chói nửa lừng trời thì bá đạo hoàn cầu thấy hào quang, sang phá trận cho tiêu tàn, giành làm bá chủ. Trận Bát Môn của Trời lập, chính là THIÊN MÔN TRẬN người tu 1.000 năm vào trận khó ra. Thiên Môn Trận thâu hồi bá đạo vào Bảng Phong Thần, đó là Phong Thần thăng Bảng Kỳ Ba đó các con! Như vậy thì bá đạo hoàn cầu thấy hào quang kéo sang phá trận đều bị tiêu diệt, hồn lên Bảng Phong Thần hết cả.  Vậy thì bá đạo không phá nổi đồ trận của Thầy. Thầy mới thống nhất mà giáo truyền Đại Đạo khắp cả thế giới năm châu vũ trụ, chẳng phải truyền [các mối] đạo ngày hôm nay đó các con!" (trích dẫn 1, trang 5, Tam Nhật Đàn).

"Ngày hôm nay [1935] Thầy giáo Đạo để biểu hiệu Cao Đài Phổ Độ là [để] độ các con lập công giải thoát cho kịp kỳ tận thế này nên Thầy giáng Đạo chưa khai Giáo.  Đến cơ phổ độ hữu hình (thì hữu hoại) tiêu hoại hết rồi thì chỉ còn lại những đạo tâm hữu căn hữu phước [là những] anh tài tuấn kiệt [lúc đó] Thầy mới khai Giáo kỳ ba thì Phật Thánh Tiên Tam Giáo hạ trần hoát khai Huỳnh Đạo lập đời Thánh Đức Tân Dân, thì chừng đó Huỳnh Đạo thâu hết những kẻ đắc pháp huyền hư cùng hiền tài tuấn kiệt mà dẹp loạn can qua hoàn cầu mới được.." (trích dẫn 2, trang 5, Tam Nhật Đàn).

"Đến ngày Thiên Khai Huỳnh Đạo, đó là khai giáo Đạo Huỳnh, thì Phật Thánh Tiên Tam Giáo hạ trần xuống thế mà thống nhất hòa bình, năm châu cùng vũ trụ, [rồi] Thầy mới đem biểu hiệu Cao Đài mà truyền lưu cõi thế, các con không thông căn Đạo, không tìm hiểu được Thiên Cơ, tưởng lầm Cao Đài [Tam Kỳ Phổ Độ] truyền đạo Năm Châu Thống Nhất hoàn cầu. Chưa được! Vì Cao Đài [Tam Kỳ Phổ Độ] là cơ hữu hình đâu có Phật Thánh Tiên mà thống nhất, đâu có Phật Thánh Tiên mà mà lập Bát Môn Đồ Trận. (trích dẫn 3, trang 5, Tam Nhật Đàn).

"... cho nên Cao Đài là cơ Phổ Độ không có lập đời. Còn lập đời là Huỳnh Đạo, là cơ Vô Vi, là Phật Thánh Tiên xuống thế lập đời mới được..." (trích dẫn 4, trang 6, Tam Nhật Đàn).

"Cao Đài Phổ Độ là ngày hôm nay [1935]. [Còn] cuối Hạ Ngươn đời tận thế là [lúc] tận diệt loài người năm châu cùng là vũ trụ [sẽ chỉ] còn lại kẻ hữu căn hữu đức đặng lập đời trở lại Thượng Ngươn, thì Luật Trời định Giáo Đạo Huỳnh [sẽ] xuống thế độ kẻ hữu căn lập đời [chớ] không có Phổ Độ [nữa]. Hôm nay [Đấng] Tạo Hóa giảng Đạo tại xứ Việt Nam Thầy vâng lịnh [Đấng] Tạo Hóa đầu thai xuống thế độ kẻ hữu căn lập Đời Thượng Ngươn trở lại, y lịnh của Tạo Hóa, cũng không có Phổ Độ.  Phổ Độ là do Thầy quá thương các con là nòi giống của Thầy, [sẽ] bị Luật Trời tận diệt hết chẳng còn, nên Thầy hoài tâm cùng [Đấng] Tạo Hóa nhiều lần mà xin xá tội các con, cũng xin cho Thầy độ hết các con về cùng Thầy (không nỡ bỏ). Vì vậy nên Thầy tá danh Cao Đài Phổ Độ, Thầy đem hai kỳ trước chung lại, kêu là Tam Kỳ Phổ Độ. Chính thiệt là kỳ này Lập Đời chớ không có Phổ Độ. Phổ độ đây là phần riêng của Thầy độ các con đó thôi. Nếu kỳ này Thầy không độ các con lập công giải thoát thì các con [sẽ] bị Luật Trời tiêu diệt hết chẳng còn." (trích dẫn 5, trang 16, Tam Nhật Đàn).

"... kẻ hữu đức là kẻ có công tu kiếp trước. Buổi cuối hạ ngươn, đời tận thế Hội Long Hoa thì kẻ hữu căn được tiếp luồng điển Thiên tu hành hết trước ngày Thầy giáo Đạo Cao Đài này sẽ thấy đắc quả Phật Thánh Tiên.  Còn người [đã] được đắc pháp huyền hư, lục thông phát huệ, tiếp điển với Thầy, nghe Thầy chỉ dạy, những kẻ đó hiện giờ [buổi cuối hạ ngươn đang] làm phận sự của Thầy [giao phó], hành Đạo Kỳ Ba Vô Vi, đi thống nhất Triệt Giáo hoàn cầu mà thành lập Đạo Thầy, thì những kẻ đó hiện giờ [buổi cuối hạ ngươn] tiếp điển với Thầy mà thông hiểu được căn cội nguồn gốc Đạo Thầy từ Thượng Giới đến hữu hình thế gian, không cần Thầy nói giống như Thầy nói cho các con biết đây." (trích dẫn 6, trang 17, Tam Nhật Đàn).

"Vì vậy khi Thầy ngự Bạch Ngọc Kinh chầu Thượng Đế thấy Luật Trời xoay chuyển cận ngày tạo Thiên lập Địa, thay quả Địa Cầu, thay bầu trái đất, nhân vật cỏ cây đều thay đổi cả, đó là Ngũ Hành thâu loài người cùng vật chất đó các con, vì vậy Thầy gấp gấp mau mau giáng Đạo Kỳ Ba, ngày mùng Một tháng Giêng năm Bính Dần [1926], Thầy dùng huyền diệu cơ bút khắp nơi mà kêu réo các con mau quay đầu tỉnh ngộ mà theo Đạo Cao Đài [rồi nhờ] có Tổ Tiên ủng hộ mà giải thoát hay là xác thịt còn sống được [đặng] Thầy độ [tới kỳ] lập đời Tân Dân Thánh Đức." (trích dẫn 7, trang 17, Tam Nhật Đàn).

"Đó là hữu hình, rồi đây tiêu hoại hết, nhưng đó là kế hoạch của Thầy triệu những kẻ Căn Đời vào Đạo đó thôi. Còn thiệt của Thầy là Kỳ Ba Vô Vi Lập Đời, còn Kỳ Phổ Độ [sẽ bị] tiêu diệt hết rồi. Còn lại những kẻ Đạo tâm hữu căn hữu đức sống đúng Luật của Thầy [thì] Thầy mới độ dẫn qua Kỳ Ba Vô Vi, đặng lập Đời. Vì Luật Trời định vậy nên cơ Phổ Độ phải bị tiêu diệt theo Nhân Sanh, đặng chọn kẻ Đạo tâm, đặng lập Đời, không một kẻ nào thoát khỏi vòng hỗn loạn binh đao cùng dịch chướng đó các con!" (trích dẫn 8, trang 19, Tam Nhật Đàn).

"Kỳ Ba Vô Vi là Phật Thánh Tiên xuống thế lập đời nên Thầy chọn rặt những kẻ nguyên căn, còn kẻ hóa nhơn thì vớt hồn về quê cũ đó các con. Còn người hành phận sự kỳ ba của Thầy là những người đắc pháp huyền hư, lục thông pháp huệ, dùng thân [để] cảm, tưởng mà tiếp điển với Thầy hành phận sự vô vi.  Những người đó hiện giờ không có lãnh phận sự lập công trong cơ Phổ Độ.  Vì cơ Phổ Độ của Thầy [là để] độ những kẻ thiếu căn thiếu đức còn lại . . . Còn những kẻ đắc pháp huyền hư tiếp điển với Thầy là bực Phật Thánh Tiên [của] Tam Giáo xuống trần đầu thay làm người đặng thay Thầy hành phận sự ở thế gian.  Đắc pháp mà tiếp điển được với Thầy là ở trên Tam giáo xuống mới tiếp điển được với Thầy, còn ngoài ra không ai được hết, đó là vị Minh Sư ở Trần Thế." (trích dẫn 9, trang 19, Tam Nhật Đàn).

"Thầy minh ra cho các con biết rõ, những người phận sự của Thầy ở thế kêu là Minh Sư, nhưng còn một bậc Sư Ông [đang] còn ẩn.  Những người phận sự của Thầy đều có Sắc Lệnh của Trời ban trên Tam giáo xuống trần gian thay mặt cho Thầy đặng diệt tà độ chánh, đặng lập Đời, chẳng phải là thường. Người phận sự của Thầy đủ quyền thưởng phạt thế gian, đủ tài năng thao lược, pháp bửu nhiệm mầu. Nếu người thay mặt cho Thầy không đủ  tài năng thì làm sao thống nhất Triệt giáo hoàn cầu mà lập thành Đại Đạo đó các con? (trích dẫn 10, trang 21, Tam Nhật Đàn).

"Hiện giờ, người nhận phận sự chưa tới, còn ẩn danh như Khương Tử, để Kỳ Ba các con thấy rõ nhiệm mầu huyền diệu của các Sư Ông.  Các con đừng lầm tưởng các bậc Minh Sư ở ngoài cơ Phổ Độ không có vô lập công như các con, các con cho đó không phải là người Đạo Cao Đài là quá đổi quá dốt. Thầy cho biết: Đạo Cao Đài gồm hết những kẻ hữu căn hữu đức hùng anh tuấn kiệt, cùng các bậc Minh Sư ở [trên] toàn quốc Đất Việt đều chung lo tạo dựng Đạo Cao Đài." (trích dẫn 11, trang 21, Tam Nhật Đàn).

"Cơ lập công với Tạo Hóa, kỳ Hội Long Hoa tận thế có nhiều bậc Tam Giáo hạ trần đầu thai mượn xác làm người, lập công Kỳ Ba Vô Vi, dựng nước khai non, thống nhất Triệt Giáo, thành lập Đạo Thầy. Bậc thiện căn, hữu đức không ham mê vật chất quyền danh." (trích dẫn 12, trang 21, Tam Nhật Đàn).

"Phán Đoán Đại Đồng, là ngày Luật Trời thưởng phạt loài người, tận diệt khắp cả thế gian hoàn cầu cùng Vũ trụ thì không còn một chéo đất nào ở thế gian còn nguyên vẹn. Chừng đó Thầy cho chư Thần độ xác những kẻ hữu căn hữu đức, độ xác những anh hùng tuấn kiệt đạo tâm ẩn nơi Thánh Địa đem về non đảnh là nơi Huyền Linh Thiên định trước giờ ở yên nơi đó, chờ ngày Thiên Khai Huỳnh Đạo Tam Giáo giáng trần thâu những kẻ đạo tâm hùng anh tuấn kiệt mà hữu dụng Kỳ Ba lập đời khai non dựng nước đó các con." (trích dẫn 13, trang 22, Tam Nhật Đàn).

"Đàn hôm nay [1935] là Tam Nhật Đàn. Đàn của Thầy minh chơn lý là Minh Sư thiệt của đạo, để cho các con sau này coi biết rõ sự thật từ cơ Phổ Độ Hữu Hình cho tới Kỳ Ba Vô Vi lập đời. Đó là Thầy cho biết rõ căn cội nguồn gốc Đạo Trời [Thiên Đạo].  Còn cơ Phổ Độ của Thầy mượn giả làm thiệt nên Thầy không cho biết sự thiệt, cho biết thì lậu cơ mưu độ các con sao được, chớ Thầy nào có muốn giấu." (trích dẫn 14, trang 23, Tam Nhật Đàn).

"Thầy dặn các con hãy nhớ, đến ngày hỗn loạn là cơ của thầy bế tắc, là kỳ hữu hình đã mãn, sang qua kỳ vô vi là các con bít đường lối, không biết Đạo đi tới nữa là chi, chỉ những kẻ có điển quang quán tưởng tiếp với Thầy  mới hiểu thông mọi việc ... Các con hãy nhớ kỷ lời Thầy. Thánh giáo [của] Thầy [hãy] cất giữ, đời hỗn loạn mới được phép cho ra, bất tuân mệnh lệnh đại tội đó nghe con." (trích dẫn 15, trang 26, Tam Nhật Đàn).

          Từ nội dung Tam Nhật Đàn, nhất là xuyên qua 15 đoạn trích dẫn trên, một bức tranh tổng thể phát họa những chuyển biến ĐẠO & ĐỜI hiện rõ nét đến độ không thể hoài nghi, không thể diễn dịch sai lầm, không thể không tin sau khi đối chiếu lại với tất cả những gì đã diễn ra trong gần một  thế kỷ qua. Tam Nhật Đàn có thể nói là một văn bản "lập ngôn làm bằng chứng" của Thượng Đế (tá danh là Đấng Cao Đài Tiên Ông) về toàn bộ CHƯƠNG TRÌNH CỦA HUYỀN KHÔNG, từ khi bắt đầu "giáng Đạo" năm 1924 rồi hình thành cơ CAO ĐÀI TAM KỲ PHỔ ĐỘ 1926 để phổ độ nhơn sanh đất Việt, cho đến khi Phật Thánh Tiên của Tam Giáo đầu thai xuống trần "khai Cơ" THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI để thâu phục bá đạo hoàn cầu và "khai Giáo" quảng truyền Đại Đạo của Đấng Huyền Khung năm 2017, tạm gọi đó là ĐẠI ĐẠO HUYỀN KHÔNG, vẫn dùng "biểu tượng Cao Đài" với ý nghĩa là "Đài Cao tột Huyền Không" cũng là "Ngôi Chí Tôn Chí Thượng", để tiến tới mục tiêu sau cùng của chương trình là LẬP ĐỜI THÁNH ĐỨC giúp cho nhân loại trên quả địa cầu này tiếp tục tiến hóa xa hơn nữa. 

          Những điểm nhấn trong toàn bộ nội dung của Tam Nhật Đàn có thể điểm lượt lại như sau:

1. CAO ĐÀI TAM KỲ PHỔ ĐỘ (năm 1926) chỉ là bước khởi đầu trong CHƯƠNG TRÌNH CỦA HUYỀN KHÔNG nhằm phổ độ nhơn sanh Việt kém căn mà hữu phước, trước khi bước vào thời kỳ THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO KỲ BA VÔ VI nói ngắn gọn là THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI.

2. THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI sẽ đến vào thời điểm mà thế giới chứng kiến:"Trung Đông chiến họa lưỡng dân điêu tàn" và "Ngòi lửa dậy bốn bề nao nức, năm châu tràn tuyệt dứt nhơn sanh".  Cũng vào thời điểm đạo đời"đến ngày hỗn loạn" đó "các con bít đường lối không biết Đạo đi đến đâu nữa" ; "bá đạo ra tranh hùng, Triệt Giáo dùng tả đạo bàng môn mượn danh Tiên Phật mà độ giành người, cướp giật nhân sanh, làm nhiều điều tà thuật chóa mắt" và đó là ngày mà"cơ Phổ Độ của Thầy đã mãn".

3. THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI không phải là một TÔN GIÁO. Nói cho chính xác KỲ BA VÔ VI là một "cơ kỳ" trong sự vận hành chuyển dịch của THIÊN ĐẠO, là ứng danh cho một giai đoạn diễn biến, qua đó công việc của các đấng Phật Thánh Tiên nhận lệnh Tam Giáo đầu thai xuống thế gian trong xác thân con người dưới trần để thực hiện CHƯƠNG TRÌNH CỦA HUYỀN KHÔNG sẽ được thực hiện.  Các "Thiên Nhân" tại trần này sẽ không làm "công tác hoằng hóa hữu vi", như là của các vị trước đã làm để "lập công bồi đức" trong cơ Cao Đài Phổ Độ, mà chỉ "thực hiện sứ lệnh vô vi" trong thời kỳ của THIÊN ĐẠO KỲ BA VÔ VI.

4. Những Thiên Nhân tại trần này là những "Minh Sư" tự biết rõ "căn  phận vô vi" của mình, lặng lẽ "tiếp điển" tu thân, sống giữa chợ đời ô trược, hành động như người tầm thường, cho đến khi đúng thời điểm "nhận sứ lệnh hành động" thì Thượng Thiên mới "khai mở bộ đầu" để họ "tự ráp nối" với "chơn linh của mình", "đắc pháp huyền hư, lục thông phát huệ" mà trở thành siêu phàm, hiểu rõ thiên cơ, tận tường chơn lý, "biết đường hành sự" khế hợp với trên Thiên.  Điều này cũng được Thầy xác lập thêm một lần nữa trong đàn cơ của Thiên Khai Huỳnh Đạo năm 1967:

"Gần đến lúc mật truyền biện pháp
Cho nhơn hiền tự ráp chơn linh
Những con đúng đắn điển hình
Qui thành yếu lý siêu hình giáng ngay"
(Ngọc Kinh 3, trang 42)

5. Trong số những Minh Sư tại thế có các "Sư Ông" căn cơ rất cao trọng.  Đàn cơ ngày 23 tháng 3 năm Kỷ Sửu 1949 của bộ phận Hiệp Thiên Đài tại Hà Tiên cho biết những Minh Sư và các Sư Ông vẫn chưa xuống thế, chỉ là cận ngày thôi.
 
"Đại Hội Long Hoa đã cận rồi
Thánh Thần Tiên Phật sắp lìa ngôi
Tề an bá tánh qui kim cổ
Thiên mạng phụng hành chớ thả trôi."
(Đại Đạo Luận, trang 11)

          Nhưng đến năm 1967, căn cứ theo lời Thầy tiết lộ trong đàn cơ của Thiên Khai Huỳnh Đạo thì các Minh Sư và các Sư Ông này đã có mặt dưới trần.
   
"Phật Thánh Thần Tiên đã xuống rồi
Chỉ chờ giờ phút đúng đi đôi
Giang sơn đất Việt luôn tài đấp
Đất nước nhà Nam sẵn đức bồi."
(Ngọc Kinh 3, trang 3)

          Như vậy, dựa vào hai mốc thời gian trên thì có thể đoán ra là những Minh Sư và các Sư Ông đã hạ sinh trong khoảng thời gian 1949-1967.  Tính đến hôm nay, năm 2017, thì các vị này đang ở độ tuổi 50-67.
 
6. Hai chữ "Tam Kỳ" không đồng nghĩa với hai chữ "Kỳ Ba".  Tam Kỳ là để chỉ Thượng Ngươn Nhất Kỳ Phổ Độ đã qua + Trung Ngươn Nhị Kỳ Phổ Độ cũng đã qua + Hạ Ngươn hiện tại "Thầy tá danh Cao Đài Phổ Độ" = "Thầy đem hai kỳ trước chung lại, kêu là Tam Kỳ Phổ Độ."
Như vậy rõ ràng là hai chữ "Tam Kỳ" đồng nghĩa với "3 thời kỳ" tức là để chỉ "3 Ngươn Phổ Độ".  Còn hai chữ "kỳ ba" là để chỉ "lần thứ ba".  Thượng Đế đã nhiều lần "tiên khải" sự "trở lại lần thứ ba của Thượng Đế trên đất nước Việt Nam".  Văn bản của đàn cơ Thiên Khai Huỳnh Đạo năm 1967 ghi:
 
"Đã tuyên bố một lời: Thượng Đế
Quyết xuống trần cứu thế kỳ ba
Phơi bày chí đức vị tha
Công bình, bác ái đem ra khỏa lòng"
(Ngọc Kinh 3, trang 7)
Và,
"Ngọc ẩn Kỳ Sơn, xuất tại Nam
Hoàng gia xuống thế độ con phàm
Thượng khai cơ Đạo văn thiên định
Đế xuất Nam Bang duyệt phẩm hàm
Giáo hóa con thơ hành chánh pháp
Đạo mầu huấn luyện sắc Già Lam
Nam kỳ Đế Chúa còn im ẩn
Phương h­ướng định rồi dạ phải cam."
(Ngọc Kinh 3, trang 39)
         
          Như mọi người đều biết, lần thứ nhất Thượng Đế hóa thân trên đất nước Việt Nam là Ngôi Hai Giáo Chủ Ngô Văn Chiêu (1878-1932), khai truyền Cao Đài Bí Pháp.
  
"NGÔI-HAI GIÁO-CHỦ Ðạo Nam-Phương,
Nương bút mực đề những luống thương,
NGÔ đồng lá rụng còn đơm trái,
MINH nghĩa dựng đời mối phong cương,
CHIÊU chiêu bóng nguyệt tà canh cánh,
Xét nét ngân vàng phủ giá gương,
Mênh mang lý Ðạo đời chưa rõ,
Cần-Thơ chánh thị Tổ-Ðình chương."
(Thiên Lý Bửu Tòa, đàn giờ Hợi ngày 29 tháng 9 năm 1977)
         
          Lần thứ hai Thượng Đế hóa thân trên đất nước Việt Nam là Nhị Thiên Giáo Chủ Võ Văn Phẩm (1888-1940), khai truyền Cao Đài Tân Pháp.
"Nhứt điểm thiện tứ Nhứt điểm ban,
Nhị Nhân diên hống luyện quy hoàn.
Hiếu trung ngưỡng cổ Văn vi thủ,
Trụ xuất Nhân gian đạo đức toàn
."
Chiết tự,
" Chữ Nhứt mà thêm chữ Nhứt là chữ NHỊ.
Chữ Nhị mà thêm chữ Nhân là chữ THIÊN.
Chữ Hiếu mà thêm chữ Văn là chữ GIÁO.
Chữ Trụ mà bớt chữ Nhân còn chữ CHỦ"
Và,
" thọ chơn truyền lúc Hạ Ngươn,
GIÁO khai Từ Phụ rộng ban ơn.
CHỦ tâm hiệp dược trường sinh đắc,
GIÁNG hỏa thối phù tánh mạng hườn."
(Bạch Quang Đàn, 25 tháng 1 năm Bính Tuất, 26/2/1946) 

          Nếu nói rằng "xuống trần cứu thế kỳ ba" là để chỉ vào sự có mặt của Ngôi Hai Ngô Giáo Chủ thì không đúng vì Ngài "đã xuống" và "đã qui hồi cựu vị" năm 1932 hoặc chỉ vào sự có mặt của Nhị Thiên Võ Giáo Chủ thì cũng không đúng vì Ngài "cũng đã xuống" và "cũng đã qui hồi cựu vị" năm 1940.  Còn tinh thần của hai câu"Đã tuyên bố một lời: Thượng Đế quyết xuống trần cứu thế kỳ ba" là một tuyên ngôn, một xác quyết, một huyền khải cho một sự kiện chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai mà Cha Trời long trọng khẳng định vào thời điểm năm 1967.  Hơn nữa những chữ như "ẩn kỳ sơn" hay "còn im ẩn" là để chỉ một nhân vật đang có mặt và chưa tới lúc xuất hiện,   còn Ngôi Hai trào một và Nhị Thiên trào hai thì đã xuất hiện và đã ra đi.  Một nhân vật vừa đảm trách vai trò Giáo Chủ "xuống thế độ con phàm", "khai cơ Đạo", "giáo hóa con thơ hành chánh pháp", "huấn luyện sắc già lam" lại vừa Lãnh Đạo Quốc Dân với vai trò "Nam Kỳ Đế Chúa", "duyệt phẩm hàm".  Như vậy có thể nói, tính tới năm 1967, thì cái"khai Giáo" mà Thầy đã vạch rõ vào năm 1935 trong Tam Nhật Đàn là vẫn "chưa khai".  

          Như thế là một "Sư Ông" cao đại nhất trong các Sư Ông, hiện nay vẫn còn đang "im ẩn", sẽ đứng ra khai giáo.  Vị Sư Ông Cao Đại nhất đó chính là "Ngôi Hai kỳ ba" hay "Nhị Thiên kỳ ba" như Ngô Giáo Chủ đã tiết lộ là "Thầy lâm phàm rồi . . . để lập đời" trong đàn cơ dạy đạo cho hiền huynh Quyền Pháp (Âu Châu) của Tân Chiếu Minh:

"Hạ Nguơn hầu mãn Thầy lâm phàm rồi
Thầy lâm phàm cứu Đời ngày cuối
Vớt Nguyên Căn trong buổi Hạ Nguơn
Loan truyền Đạo Chánh Pháp Chơn ...
Ngày Mạt Hậu Ngôi Hai Tá Thế,
Mở Cơ Mầu là để Lập Đời,
Lập Đời Thánh Đức Dân Trời,
Độ Hồn Chủng Loại Người Người thành Tiên."
(Ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão 1999, đàn giờ Sửu)

          Đàn cơ của Thiên Khai Huỳnh Đạo 1967 cũng xác định Sư Ông Cao Đại đó chính là "chiết lần ba" chơn linh của Huyền Thiên Thượng Đế Ngọc Hoàng chuyển thể giáng thế, tức Ngôi Hai kỳ ba, cùng với "36 luân châu" là 36 vị Thánh Đạo Sư cùng với Sư Ông Cao Đại khai giáo kỳ ba, vì cho tới nay Thầy chỉ đã "giáng Đạo" chứ chưa "khai giáo".  Không những vậy, đàn cơ còn nói rõ "Ngọc Hoàng hiện thân Di Lạc trần gian, Phật Vương là hiệu Minh Hoàng là danh".

Vâng Thượng Đế Huyền Thiên mang hiệu
Thọ sắc Trời hiệu triệu linh căn
Quyển ba Kinh Ngọc lập văn
Khi đời đại chiến chớp giăng hoàn cầu
Tam thập lục luân châu giáng thế
Chiết phần/lần ba chuyển thể, Ngọc Hoàng
Hiện thân Di Lạc trần gian
Phật Vương là hiệu Minh Hoàng là danh.
Thầy lãnh lệnh xuống miền dương thế
Chờ đến ngày khánh tể triều ban
Đầu Thầy đội nặng Thiên Hoàng
Vai mang dương thế vai quàng kinh luân.
(Ngọc Kinh, trang 34, Di Lạc Chủ Ngươn)

Mẹ Diêu Trì cũng cho biết:
Diêu ý ThiênNgọc giáng sanh
Trì tâm Đạo pháp Kinh lai thành
Kim hồi niệm Quyển tròn nghĩa
Mẫu đáo Vi truyền Ba vẹn danh
thủy Minh minh Thiên giáng để
Cực sơn Thiên định Khai còn dành
Từ hòa Đại thể Đại đồng chiếu
Tôn hiệp Nghĩa chung Đạo bạch thanh.
(Ngọc Kinh 3, trang 43)

          Bài thơ khoán chữ đầu là "Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn",
khoán chữ thứ ba trong câu là "Thiên Đạo Vô Vi, Minh Thiên Đại Nghĩa", khoán chữ thứ năm trong câu là "Ngọc Kinh Quyển Ba Thiên Khai Đại Đạo".  Bốn chữ  "Ngọc Kinh Quyển Ba" không phải chỉ đơn thuần là quyển sách có tên là Ngọc Kinh 3 mà phải hiểu ý ẩn mật là "màn ba/ kỳ ba của Bạch Ngọc Kinh".

          Ngoài ra lấy bốn chữ đầu của mỗi câu ráp thành bài  "Diêu ý thiên cơ, trì tâm đạo pháp, kim hồi vô niệm, Mẫu đáo vi truyền, vô thủy minh minh, cực sơn thiên định, từ hòa đại thể, tôn hiệp nghĩa chung".  Và lấy bốn chữ cuối của mỗi câu ráp thành bài  "cơ Ngọc giáng sinh, pháp kinh lai thành, niệm quyển tròn nghĩa, truyền ba vẹn danh, minh thiên giáng để, định khai còn dành, thể đại đồng chiếu, chung đạo bạch thanh." 

          Toàn bộ bài này đều ẩn tàng thiên cơ, nhất là hai bài phụ ráp từ bốn chữ trong bài chính.  Bài chính nói: Ta là "Diêu trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn" xác định"Thiên Đạo Vô Vi" "Đại nghĩa" của "Minh Thiên", là cơ cứu thế "lần ba" của"Bạch Ngọc Kinh".  Minh Thiên và Huyền Minh là hai phàm danh của Huyền Thiên Thượng Đế khi Ngài thị thiện trên đất Trung Nguyên mà thế gian từng biết tới.  

          Thêm một chữ "chìa khóa" vào mỗi câu của bài phụ 1, ráp từ bốn chữ đầu mỗi câu từ bài chính, thì nghĩa ý của toàn bài sẽ hiển bày như sau:  "Diêu ý [ẩn] thiên cơ, trì tâm [hành] đạo pháp, kim [ngôn] hồi vô niệm, Mẫu [lai] đáo vi truyền, vô thủy [chung] minh minh, [địa] cực sơn thiên định, từ hòa [nên] đại thể, [giáo] tôn hiệp nghĩa chung".  Đây là những lời mà Thiên Mẫu Diêu Trì muốn nói riêng với Huyền Thiên đang có mặt dưới thế gian tức là nhắn gởi với "Sư Ông Cao Đại".

          Thêm một chữ "chìa khóa" vào mỗi câu của bài phụ 2, ráp từ bốn chữ cuối của mỗi câu từ bài chính, thì nghĩa ý của toàn bài sẽ hiển bày như sau:  "cơ Ngọc [Đế] giáng sinh, pháp Kinh [Kỳ] lai thành, niệm quyển [cho] tròn nghĩa, truyền ba [lần] vẹn danh, Minh Thiên giáng [thế] để, định khai [Giáo] còn dành, thể đại đồng chiếu [viết], chung Đạo Bạch [Chơn] Thanh."  Tuyệt vời! Thật là tuyệt vời!   "Pháp Kinh Kỳ" là pháp luyện hơi thở liên quan đến hai mạch Nhâm Đốc nằm trong "kỳ kinh bát mạch".  "Truyền ba lần vẹn danh" là vẹn danh Cao Đài xuống thế ba lần trên đất nước Việt Nam. Lần thứ nhất, là Ngôi Hai Ngô Văn Chiêu, để truyền trao bí pháp Cao Đài.  Lần thứ hai, là Nhị Thiên Võ Văn Phẩm, để truyền trao tân pháp Cao Đài, lần thứ ba để "khai Giáo" cứu vớt nguyên căn và lập đời Thánh Đức Tân Dân. "Minh Thiên giáng thế" là Huyền Thiên giáng thế, là Ngôi Hai kỳ ba hay Nhị Thiên kỳ ba, là Sư Ông Cao Đại. "Để, định khai Giáo còn dành"  là việc khai giáo còn dành chờ Sư Ông Cao Đại định đặt. Sứ mạng khai giáo của Sư Ông Cao Đại được "thể đại đồng chiếu viết" tức là có ấn chứng của Huyền Không tức là có  "chiếu chỉ và ấn sắc" của tất cả các cơ quan và hội đồng trên cõi Huyền Không.  Và "Giáo" đó là "Bạch Chơn Thanh", cũng là một "thể đại đồng".  Toàn văn là những lời Thiên Mẫu Diêu Trì muốn gởi tới các Sư Ông, 36 vị thánh là luân châu giáng thế, và các đại linh căn đang thừa hành phận sự kỳ ba.                

          Thiên Mẫu còn cho biết những thông tin quan trọng về cá nhân Sư Ông Cao Đại như sau:

"Vàng nhờ Sông lộ ẩn cơ Thiên
Ngọc cậy Sơn đầu đợi Pháp Thiền
Nước chảy đá mòn thân bác lãm
Non chày nào mõi phận thâm uyên
Tam Khai định Đế hồn quyên Thánh
Tứ chuyển đồ vương xác Quốc Tiên
Xử sự thân nhân tân tuyệt hiếu
Thành gương Nghiêu Thuấn đáp lương hiền.
Hiền thần ẩn tánh lánh danh nhơ
Trung nghĩa bần thanh giữ cõi bờ
Thiên ý giáng trần ban báu sách
Nhơn tâm tại thế lãnh Thiên Thơ."
          (Ngọc Kinh 3, trang 42)

"Tịnh Sơn đỉnh một vùng sơn thái
Sơn liên đầu một dãy thủy ba
Phùng sơn [mới] hiểu lý chơn hòa
Con ơi còn đó chờ ra bao giờ!"
(Ngọc Kinh 3, trang 48)

          Xin lưu ý: Quyển Ngọc Kinh 3 của Thiên Khai Huỳnh Đạo, cũng giống như Tam Nhật Đàn của cơ quan linh hiển Bát Quái Đồ Thiên, là một văn bản "trấn môn" chứa đựng những tiên tri quan trọng mà Thầy Trời đã chỉ thị là chỉ được trao vào tay của những người xứng đáng, "chọn mặt gởi vàng", mà thôi.  

7. Hai chữ "Cao Đài" hoặc bốn chữ "Cao Đài Đại Đạo" mà Thầy sử dụng trong một phạm trù rộng lớn hơn sẽ không cùng nghĩa với hai chữ Cao Đài hoặc với bốn chữ Cao Đài Đại Đạo là một tôn giáo do Thầy lập từ năm Bính Dần 1926.  Tương tự, bốn chữ "Thiên Khai Huỳnh Đạo" mà Thầy nói tới ở đây không có ý nói tới tôn giáo Thiên Khai Huỳnh Đạo đang có mặt được thành lập từ năm 1962.  Điều này đã được Thầy xác lập lại nhiều lần. Thí dụ như trong bài thánh giáo do hiền huynh Quyền Pháp hầu đàn vào giờ Tí ngày 17 tháng 6 năm Đinh Sửu (21/7/1997), Thầy đã dạy:

"Cao Đài sứ mạng Đại Đồng
Vượt ngoài biên giới giống dòng sắc dân

Pháp Thầy giác ngộ nguyên nhân
Khắp trong hoàn vũ xa gần nơi nơi
Xét ra cơ sự Ý Trời
Chờ ngày chờ lúc chờ thời Pháp Linh
Đến chừng nhân loại đắc minh
Nhận ra Chơn Lý Đạo Huỳnh Thầy khai
Pháp Thầy hiển hóa có ngày
Người người tu luyện một Thầy một Cha
Không còn phân biệt màu da
Địa phương tín ngưỡng quốc gia chủng loài."


          Chuyện "Thống nhất Triệt Giáo hoàn cầu" có lẽ không phải là nỗ lực hữu hình mà bất cứ một tôn giáo hiện hữu nào có thể làm được.  Trước tiên nó phải là nỗ lực của "toàn lực lượng vô vi" trong "tam thiên" theo lệnh của Bạch Ngọc Kinh, Lôi Âm Đại Na Di, Diêu Cung và Hội Đồng Tam Giáo Tòa trên cõi Huyền Không.  Rồi các Thiên Nhân trên khắp thế giới thực hiện phần hữu hình theo đà chuyển dịch tự nhiên của Thiên Đạo để hoàn tất phần còn lại của  CHƯƠNG TRÌNH LẬP ĐỜI THÁNH ĐỨC.  Lý do cho nỗ lực "thống nhứt Triệt giáo toàn cầu""đổi quả kiền khôn tái lập đời" được nói rõ:

"Loài người nay cũng đã đến hồi
Giác ngộ Tâm Kinh tiến hóa rồi
Bước lên một nấc thang cao trổi
Đổi quả kiền khôn tái lập đời
."
(Đàn giờ Tý, ngày 17 tháng 6 năm Đinh Sửu 1997)

          Các vị Thiên Nhân còn có một tên gọi khác, đó là Thiên Long và Liên Hoa.  Sự qui tập của họ vào một thời điểm đã được ấn định để cùng nhau thực hiện sứ mạng thiêng liêng đã được giao phó gọi là Long Hoa Hội. Nói về Long Hoa Hội, trong một đàn cơ năm 1997, Thầy cho biết: 

"Long Hoa Đại Hội sắp kề chân
Bớ chúng sanh mau tỉnh mộng trần
Nhanh chân tách bến qua bờ giác
Để kịp khoa tràng kẻo trễ chân.
Chân Truyền Đại Đạo kể từ đây
Phổ hóa năm châu cứu nạn này
Cơ cuộc diễn bày ra trước mắt
Không ai thoát khỏi trận cuồng xây.
Xây chuyển Càn Khôn tái lập đời,
Quyền Pháp Kỳ Ba tỏa nơi nơi,
Cao Đài danh hiệu vang ba cõi,
Thiết lập Đời Tân gốc Đạo Trời.
(Đàn cơ ngày 15 tháng 5 năm Đinh Sửu 1997)

          Cụm chữ "kể từ đây" có nghĩa là kể từ Long Hoa Hội khai màn, không phải từ năm 1997.  Theo tinh thần của đoạn thiên thơ trên thì ở vào thời điểm 1997 Long Hoa Hội cũng chỉ là "sắp kề chân" thôi chứ chưa diễn ra.  Và, một khi Long Hoa Hội khai diễn thì đó cũng là ngày chính thức "Chân Truyền Đại Đạo" và "Phổ Hóa Năm Châu".  Điều này cũng có nghĩa Long Hoa Hội không phải là để Phán Xét như nhiều người nghĩ lầm, mà là một nỗ lực Cứu Thế của Cha Trời trước và vào đúng lúc những thay đổi lớn lao diễn ra trên mặt địa cầu, những thay đổi có khả năng tận diệt nhân loài và mọi sự sống trên mặt đất.

          Vậy thì, chính xác là chừng nào các vị Thiên Long và Liên Hoa mới xuất hiện? Chừng nào các Sư Ông xuất hiện? Chừng nào vị Sư Ông cao đại xuất hiện? Trong đàn cơ năm 1960 nói về Chương Trình Long Hoa Đại Hội (văn bản thuộc loại "mật") của Thiên Khai Huỳnh Đạo, Đức Di Lạc Phật Vương cho biết:
       
"Chừng khi gặp đư­ợc gà sắc đỏ
Ắt rạng điềm tỏ rõ Ngũ Châu
Nhà Nam bá chủ gồm thâu
Minh Hoàng xuất hiện đâu đâu phục tùng"
(Ngũ Phụng Kỳ Sơn, năm 1960, trang 38)

          Mẹ Diêu Trì cũng cho biết:
"Một nam tử giử gìn vẫn chánh
Một quần thoa bảo lãnh toàn chơn
Một tay dập tắt căm hờn
Một giây, một phiếm, một đờn Bá Nha...
Một con Lạc dầy công tu luyện
Một cháu Hồng nhận điển Huyền Thiên
Một lời Mẹ đoán tam niên
Mùi Thân Dậu: Có, con hiền chờ xem"
(Ngọc Kinh 3, trang 48-49)

          Và Văn Xương Đế Quân cũng cho biết:
"Chỉ còn có hai năm Thân Dậu
Xiết là bao nung nấu lòng người
Não nề đường lối như như
Không không là những tiếng cười thâm uyên.
Ai nhận được ba Tiên một Phật
Là tròn câu tiêm tất dặn dò
Khỉ rừng chót chét bo bo
Gà nhà tiếng gáy ó o vui mừng.
...
Thấy đủ đầy sự thiệt vô cương
Huỳnh Long trổ hiện phi thường
Phật ra mặt Phật, Minh Vương cứu đời.
Dập tắt hết muôn nơi nước lửa
Phá tan mầm kiến lủ đàn ong
Việt Nam đất nước thành công
Lạc Hồng nòi giống gương trông thế thời"
(Ngọc Kinh 3, trang 68-69)  

Chưa được sức đạp xô thành lũy,
Thôi cũng đừng trợ Ngụy, phò Vương,
Tu thân đợi buổi trăng tà,
Canh ba Gà gáy, sao sa khắp cùng...
[Canh Ba = Canh +/- 3 vị trì.  Canh - 3 vị trí =  Đinh. Canh Ba Gà = Đinh Dậu 2017]
Gà bay xa lộ xuyên Đông,
Hà–Giang Thánh xuất tấn phong tôi hiền
Mười tám nước minh liên định liệu
Phật Vương truyền sắc đổi Thượng Ngươn..."
(TKHĐ, Sấm Giảng Tiền Giang, 1967)

"Nơi Hậu Giang Ngọc Đế định rồi
Long Môn sấm ký để lời
Chơn truyền Huỳnh Đạo nhất thời hoằng khai
Tiên tri trước hậu lai sẽ rõ...
Thân Dậu niên an bày thế cuộc
Hội Long Hoa ngọn đuốc Đạo Huỳnh
Tàn Đông xuất hiện Tổ Đình
(TKHĐ, Sấm Giảng Hậu Giang, 25-6-1965)

Tân niên Dậu ký Phật đáo lai
[tân = mới = năm 2017 = Đinh Dậu]
Long chuyển ngũ châu rạng Phật đài
Càn khôn hội hiệp quy tam cõi
Thánh Đức Tân Dân Cửu Trùng khai
(Bửu Linh Tự, Phật Đáo Lai, Mùng 1 Tết Đinh Dậu)

"Cuộc vận chuyển nghìn năm có một
Thiên Nhân Địa cảnh hiệp về đây
Khởi đầu thi hội Long Hoa [2017 = Đinh Dậu]
Chứng minh Đức Thánh kỳ ba khai trào.
Mỗi linh căn chứng phàm kim thể
Đúng pháp môn hiện hữu nơi đây
Hoa ấn chung hòa cùng đại vị
Khải Ngài Di Lạc hiệp Càn Khôn.
(Đàn Tắc Vân, Chứng Thánh Tam Ngươn, 10-1-2017)

"Thiên Minh nhất giáo hiệp triều đình
Chấn quẻ Đông Bình hiện nhất Minh
Tôn Khảm hiện diện niên Dậu tuế [2017 = Đinh Dậu]
Hoàn cầu chuyển động hiệp quần sinh.
Long thần thức tướng hiện Càn Khôn
Hoa điểm tương lai chuyển Giáo Tôn
Diễn cảnh tương lai thiên kỳ định
Trận vô vi trận pháp Thiên Tôn..."
(Đàn Tắc Vân, Long Hoa Diễn Trận 30-2-Đinh Dậu)

"Thiên Ấn Càn Khảm luận việc làm
Trạng Trình kỉnh việc hội trào tam
Tam thiên thế giới lân hòa hiệp
Nhất đẳng Huỳnh quang nhất hội tam...
NGÀI lộ cơ HUYỀN THIÊN Đại Cán
Nhất Trào Thiên nhất điển HỒNG lai ...
Nhất Cửu đỉnh Hồng Quân Thượng Tổ
Nhất niên lai Đinh Dậu khai bài
Tứ thân hành ngũ đẳng truyền nhân
Thần Thánh Phật, Tòa Đình hiện thế...
Đúng Thượng Ngươn kỳ hẹn truyền trao
Lời tỏ tường theo lệnh Thiên Tôn
Luận cho rõ pháp tâm nguyên thể..."
(Đàn Cali, Thanh Bạch Sắc Cơ, 6-3-Đinh Dậu)

          Là năm Đinh Dậu, Gà sắc đỏ!  Không ai dám chắc có phải là Đinh Dậu 2017.  Nhưng có một điều có lẽ đúng, nếu như thực sự xuất hiện, vị Sư Ông Cao Đại phải có khả năng "phá tan mầm kiến lũ đàn ong" và phải  là một nhân vật không ngại sứ mạng  "thiết lập Đời Tân gốc Đạo Trời". 

          Nhìn về tương lai, có lẽ một TÔN GIÁO MỚI sẽ hình thành từ sứ lệnh"hành Đạo Kỳ Ba Vô Vi, đi thống nhất Triệt Giáo hoàn cầu mà thành lập Đạo Thầy" để mà "Chân Truyền Đại Đạo kể từ đây".  Tạm gọi "Đạo Thầy" là ĐẠI ĐẠO HUYỀN KHÔNG tức là NỀN ĐẠI ĐẠO CỦA HUYỀN KHUNG THƯỢNG ĐẾ, vẫn với "biểu hiện Cao Đài" nhưng không phải là tôn giáo Cao Đài hiện nay hay là hậu thân của tôn giáo Cao Đài hiện nay mà là một Thiên Khai Huỳnh Đạo Đại Đồng do chính Thầy Trời hóa thân xuống trần lần thứ ba tại Việt Nam để "khai Giáo", cũng nói là Thiên Khai Huỳnh Đạo nhưng không phải là tôn giáo Thiên Khai Huỳnh Đạo hiện nay.  Có thể đoán đây là một TÔN GIÁO VÔ VI, một TÔN GIÁO HUYỀN MẬT, một TÔN GIÁO SIÊU LINH, một TÔN GIÁO ĐẠI ĐỒNG, một TÔN GIÁO HOÀN CẦU hình thành từ sự huyền đồng của các tôn giáo hiện tại.  Nó sẽ không đặt nền tảng trên những ràng buộc hữu vi thông qua giáo điều, qua tổ chức tinh vi, qua guồng máy vận hành đồ sộ, hay dưới ảnh hưởng chính trị đời và chính trị đạo thường thấy ở mọi tôn giáo hiện tại.  Nó sẽ không đặt nền tảng trên những giá trị vật chất hay những tự tôn văn hóa vùng miền theo thời gian sẽ bị lũng đoạn hoặc gây ra phân hóa.  Vì những thứ này đã bị lũng đoạn đến mức độ tồi tệ và sẽ bị sụp đổ hoàn toàn vào một thời điểm trong tương lai.  Nền tảng của ĐẠI ĐẠO HUYỀN KHÔNG là "từng mỗi và tất cả" cá nhân đều có "cơ hội và khả năng" trực tiếp "truy cập vào nội mạng Huyền Không" để được hướng dẫn bởi Huyền Không, tự khám phá sự huyền nhiệm bên trong bản thân, tự sáng tỏ giáo lý thâm sâu vi diệu.  Một tôn giáo mà tất cả giáo chúng đều là những con người hiền thiện, những con người có khả năng tâm linh cao, những con người còn sót lại sau Phán Xét, những con người của Thánh Đức Tân Dân. 

"Cơ Tiến Hóa xoay vần đến buổi
Buổi nhân loài đến tuổi trưởng thành
Đến ngày hiểu được ngọn ngành
Mỗi Người tự ngộ Đạo Lành nơi Tâm
Nguơn Thánh Đức Tân Dân tái tạo
Mỗi người đều có Đạo Tự Nhiên
Mỗi người tự biết Căn Tiên
Tánh Trời Tâm Phật Bản Nguyên của mình
Dân Nước Thánh Tâm Minh Trí Sáng
Là Dân Trời bản dạng Thiên Lương
Hiền hòa chất phát yêu thương
Nơi nơi an lạc mười phương thái hòa
Khắp Trần Thế nhà nhà tu luyện
Người người đều hiển hiện Phật Tâm
Vui say mùi Đạo âm thầm
Cùng Trời giao cảm Đạo ngầm quảng khai
...
Nền Đại Đạo Tiên Thiên khai mở
Để mỗi người quay trở vào Tâm
Mỗi Người Tự Ngộ Lý Thâm
Nhờ công tu luyện chí chăm một đời

Chẳng phải nhờ theo thời theo thế
Chẳng phải qua đoàn thể giáo tông
Cơ huyền kiếp sống muốn thông
Thì cần phải có dụng công tu trì
Đại Đạo vốn Vô Vi Vô Tướng
Đại Đạo thì Vô Lượng Vô Bờ
Mỗi người ngộ đắc Thiên Thơ
Tự nơi sâu thẳm Tâm Cơ của mình
Chẳng phải tìm nơi Đình, Chùa, Thất
Phải biết tìm ra Phật nơi lòng
Giờ giờ phút phút nhìn trong
Nhìn vào Tự Tánh sẽ thông Cơ Huyền.
(Ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão, đàn dạy đạo huynh Quyền Pháp)

          Và quan trọng hơn hết, nếu cái "Đạo Thầy" trong tương lai cũng là "từ Đấng Cao Đài khai Giáo mà không phải là Cao Đài" thì diện mạo Pháp Chánh Truyền của cái "Đạo Thầy" này ra sao?  Trong một đàn cơ năm 1998, Long Nữ Tiên Nương đã giải thích:

"Lý Chân Như cơ mầu ẩn hiện
Đường về Thầy tu luyện làm đầu
Muốn cho thấu lẽ nhiệm mầu
Con đường Chánh Đạo phải cầu nơi Tâm.
Đường Cao Học thâm thâm vi diệu
Đạo vô vi bí yếu khôn lường
Chí tâm tìm hiểu cho tường
Nội quan phản chiếu rõ đường huyền vi.
Nay nhằm buổi Tam Kỳ khai mở
Pháp Chánh Truyền sáng rỡ Tâm Kinh
Móng nền Cơ Đạo Huyền Linh
Tìm ra Chân Lý Đạo Huỳnh nơi Tâm.
Cao Đài Đạo huyền thâm mặc mặc
Muốn gặp Thầy giữ chặt Tâm Kinh
Hư vô chi khí Thượng Đình
Tu đơn luyện kỷ công trình công phu.
Pháp mầu phải tầm tu cho đạt
Phải cho tường Y Bát truyền lưu
Phải thông Diệu Lý Vô Ưu
Phải hành đúng pháp phải tu đúng đường.
Đuốc Chơn Lý đưa đường dẫn nẽo
Đạo Từ Bi phải khéo tô bồi
Công phu công quả đành rồi
Công trình phải đủ vậy thời Tam Công.
Tu Chơn Tánh thâm thông diệu lý
Luyện phép mầu ý chỉ nơi lòng
Luyện trau Tánh, Mạng cho đồng
Có Tâm có Thể mới hòng đắc minh.
Cơ Đại Đạo thinh thinh hiện ẩn
Lý vô vi xen lẫn hữu hình
Có Vô có Hữu quy trình
Trong vô có hữu lấy hình làm không.
Người đạt lý Tâm Trung vô ngại
Đạo Huyền Đồng tự tại như như
Không trên dưới, không thiếu dư
Không cao không thấp Huyền Hư ý này.
Muốn hiểu được Đạo Thầy diệu lý
Muốn tìm ra huyền bí Đạo Cao
Phải thông Chơn Pháp Thầy trao
Phải tường căn cội Đài Cao nơi mình.
Năng đọc tụng Huỳnh Đình vô tự
Thường luyện Thần học chữ Tâm Kinh
Thời thời tưởng Đạo nơi mình
Sát na nắm chặt Huỳnh Đình mà phăng.
Phăng cho thấu Đạo hằng rỡ rỡ
Tìm cho ra Tâm ở nơi nào
Khí Tinh lên xuống ra vào
Âm dương nhị khí hai hào đắc minh.
Minh Chơn Lý Đạo Huỳnh tỏ rõ
Thấy tận tường sáng tỏ Đạo Cao
Vô vi hình tướng sắc màu
Nhiệm thông huyền lý Đạo Cao của Thầy.
Gieo Chơn Pháp Thầy gầy từ thuở
Hiển Đạo mầu sáng rỡ gương soi
Để đời lưu dấu khá noi
Gương tu Thầy để khá coi theo hành.
Hành Chánh Pháp cho thành quả vị
Để làm nền chuẩn bị Đạo khai
Chờ ngày Cứu Thế Cao Đài
Tỉnh mê sanh chúng lập đời Thượng Ngươn."
(Ngày 9 tháng 7 năm Đinh Sửu 1997, đàn dạy h/h Quyền Pháp).

          Đó là Pháp Chánh Truyền của Thầy. Như vậy, có thể tóm gọn trong bốn chữ "Pháp Ấn Vô Vi".

"Vô Vi không luận thấp cao
Không cao mà lại trùm bao đất trời
Vô Vi không nói một lời
Một lời không nói mà trời đất theo
Nhiệm màu cái đạo Vô Vi
Nên Thầy khuyên trẻ hãy đi đến cùng."
(ày 9 tháng 7 năm Đinh Sửu 1997, đàn dạy h/h Quyền Pháp).

          Toàn bộ CHƯƠNG TRÌNH LẬP ĐỜI THÁNH ĐỨC TÂN DÂN CỦA HUYỀN KHÔNG đã được giải trình.  Người viết đã cố gắng giải trình một cách khách quan với thái độ của một nhà nghiên cứu "sấm giảng và thi văn đạo giáo" chứ không với tư cách là một tín đồ của bất cứ tôn giáo nào.  Người viết chỉ căn cứ trên chứng liệu "khả tín" vì đã "trãi qua thử thách theo thời gian".  Người viết tuyệt nhiên không có ý xúc phạm bất cứ ai hay bất cứ tôn giáo nào.  Và trong sự giải trình nếu có điều chi sơ xuất hay làm phật lòng một ai, người viết cúi đầu cầu xin sự rộng lượng tha thứ.   
         
          Để chốt lại những điều đã giải trình chỉ trong một vài lời ngắn ngủi là một điều ngoài sức của người viết.  Như vậy, còn biết nói lời gì hơn là được phép lập lại một câu nói đơn giản:"Phúc cho những ai chưa thấy mà tin".
   
"Cơ cuộc thế Đông Tây Nam Bắc
Sẽ có ngày bế tắt đảo điên
Do vầy Lượng Cả Ơn Thiên
Chuyển đưa Chư Phật Chư Tiên xuống trần.
Để cứu độ Nguyên Nhân kỳ chót
Vượt ái hà giải thoát trần lao
May duyên gặp buổi Đạo Cao
Ơn Trời khai mở Pháp trao cứu nàn.
Bớ sanh chúng lên thoàn lẹ lẹ
Để quày về Đất Mẹ Quê Cha
Nương theo Pháp Đạo Kỳ Ba.
(Đàn giờ Tí, 14/7/1997 Đinh Sửu, đàn dạy h/h Quyền Pháp)


BL ngày 14 tháng 7 năm 2017
DT

No comments:

Post a Comment